T House
Chúng ta xây nhà để ở hay để ngủ?
Tôi nghĩ, sẽ có nhiều người bước vào căn nhà này và phản hồi như sau: sao phòng ngủ nhỏ thế mà hành lang, thông tầng… lại nhiều thế? Có lãng phí quá không? Thú thật ngay từ khi nhận đề bài khá thoải mái, linh hoạt của chủ đầu tư, chúng tôi có phần hơi bối rối, bởi nó không hề giống với những đề bài thông thường: quá đơn giản và ít phòng. Chúng tôi đã quen với kiểu phải cân đo đong đếm từng centimet hữu ích của ngôi nhà phố để đủ chỗ cho rất nhiều phòng ốc trong một diện tích vô cùng hạn hẹp. Câu hỏi đặt ra là: Từ bao giờ chúng ta lại có nhiều nhu cầu phòng ốc như thế?


Tôi vẫn nhớ khi bố mẹ tôi gom góp đủ tiền bạc để xây cho mình một căn nhà ở phố. Lúc ấy, tôi đã khoảng 15 tuổi, có một căn phòng riêng, tôi cũng khá thích thú, có lẽ ở tuổi tôi khi ấy, một không gian riêng tư cho mình là một món quà. Nhưng sự vui thích đó cũng không được nhiều, bởi tôi vẫn trèo lên ngủ chung với cả nhà, vì… sợ ma và thích được nằm cạnh bố mẹ mình do đã quen từ hồi ở căn nhà cũ. Ai vào nhà mới cũng khen nhà rộng rãi. Thế nhưng, khi bắt đầu lau dọn, tôi mới thấy ngán ngẩm, vì căn nhà quá rộng và phải leo lên leo xuống nhiều tầng, mẹ tôi mỗi lần kể lại nhớ chuyện vui: có thời gian mẹ bận quá, quyết định cho mọi người… đi dép trong nhà một thời gian vì không kịp dọn. Nhà rộng, lại dư phòng, bố mẹ tôi lấy làm kho, tích trữ lại những đồ đạc vì ngại vứt đi hoang phí. Ngày bố mẹ dọn vô Sài Gòn, bao nhiêu đồ trong kho ấy, bố mẹ đành đoạn bán hết đi vì đồ đạc nhiều mà cũng chẳng thể mang theo hết. Bố mẹ tôi bây giờ ở một căn chung cư tầm 73 mét vuông, chung với cô em gái. Mẹ tôi thích lắm, mẹ thường nói: "hồi xưa lau nhà mà oải quá, ở như vầy, mẹ thấy đủ rồi."
Hai vợ chồng tôi đều là Kiến trúc sư, song cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi vẫn thuê ở trọ. Cũng có thể một phần do hoàn cảnh, một phần chắc cũng vận cái nghề vào cuộc sống mà bảy năm sống chung với anh, tôi được “trải nghiệm” thật nhiều loại hình nhà ở: nhà trọ, căn hộ chung cư, nhà cấp bốn, nhà phố, căn hộ studio, nhà trọ chung hoặc riêng với chủ nhà với đủ loại hình diện tích. Dọn nhà liên tục, lại là người ưa sạch sẽ, ngăn nắp, chồng tôi và tôi bắt đầu thực nghiệm lối sống tối giản, đơn giản hóa lại đồ đạc trong nhà, linh hoạt trong lối sống. Chúng tôi không cảm thấy việc chuyển nhà là bất tiện nữa, mà ngược lại, nhiều trải nghiệm khiến chúng tôi có những phát hiện rất hay trở thành nguồn tư liệu hữu ích cho công việc của mình. Cho đến gần đây, khi ở trong một căn hộ studio chỉ vỏn vẹn 25 mét vuông, chồng tôi thốt lên: Thế này là đủ!
Trước khi viết bài viết này, tôi tình cờ được xem một bài nghiên cứu về kiến trúc nhà phố của Hội An và nhận ra rằng: căn nhà phố truyền thống hầu như không có nhiều phòng đến thế. Văn hóa mỗi người một phòng không rõ tự bao giờ đã du nhập vào cách sống của chúng ta, liệu nó có phù hợp? Và một lần nữa, nếu bạn đang còn ám ảnh sự độc lập của con cái được tạo dựng từ phòng riêng, thì có thể xem các thiết kế nhà ở của người Nhật, nơi những đứa trẻ cũng không kém phần độc lập, vẫn ở chung phòng với cha mẹ, hoặc phòng riêng được ngăn bằng vách ngăn nhẹ.
Ở T House, để cảm nhận rõ giá trị thiết kế của mình, chúng tôi chỉ thật sự thấy được sau khi ngôi nhà hình thành. Tuy các phòng ngủ nhỏ, nhưng không gian chung được trả lại sự cân bằng ánh sáng, thông thoáng. Thật sự cả hai chúng tôi đều thống nhất, nhờ khoảng trống mà căn nhà được "thở".
Bạn thường mất bao nhiêu thời gian để dọn nhà của mình? Thông thường, khi lau dọn bạn có cảm thấy quá stress? Hay khối tích đó vừa đủ để bạn thư giãn, vận động tay chân? Bạn bỏ rất nhiều thời gian công sức kiếm tiền, làm thêm giờ, đánh đổi nhiều thời giờ của gia đình, bạn bè, để lao vào công việc mong có tiền mua một căn nhà, rồi sau đó có thể sẽ nhanh chóng nhận ra mình mua thêm một sự phiền phức. Chúng ta là như vậy, thường lầm lẫn mục tiêu và phương tiện, căn nhà liệu bản thân nó có phải là đích đến của hạnh phúc? Liệu chúng ta có cảm thấy hài lòng với sự đầu tư ấy? Hoặc sẽ luôn luôn cảm thấy không đủ với quá nhiều những cái muốn hơn là cần?
Khi bắt đầu thuê mướn một người Kiến trúc sư cho mình, tôi hi vọng chủ đầu tư nên xác định rõ các ranh giới nhu cầu của mình, hãy đặt cho mình những câu hỏi: Cái gì tôi thật sự cần? Cái gì chỉ là muốn? Cái muốn ấy có giúp tôi thay đổi bản thân không? Hay chỉ là cái muốn nhất thời, muốn cái của người khác, muốn do nếp nghĩ chung mã xã hội áp đặt. Và để có cái muốn đó, bạn sẽ phải hi sinh điều gì trong không gian ở? Một lần nữa, đôi khi, tiền không phải là tất cả.
Điều gì làm nên một không gian đẹp? Đó không phải là những bức tường ngăn chia, vật dụng đẳng cấp hay không, đó là chất lượng “khoảng trống” mà bạn để lại sau khi đặt để các vách ngăn, đồ vật trong phòng. Đó cũng là thứ bạn sẽ thưởng thức và cảm nhận mỗi ngày, sống mỗi ngày với nó. Vậy, hãy hình dung căn nhà của bạn, cách bạn sử dụng nó khi được thành hình. Bạn sẽ sống với nó 10 năm, 20 năm? Khoảng thời gian càng lâu, bạn càng phải tư duy nhiều về điều đó, bởi : “Cái gì thừa và vô ích thì đều có hại”
Người viết: Hiền Võ - Dịch và Hiệu đính: Hảo Quách/p>
Địa điểm | Đường 27 |
Loại công trình | Nhà phố |
Diện tích | 253.2 m2 |
Thiết kế | Km Architecture Office |
Năm | 2017 |