Giới thiệu nhà thiết kế cảnh quan - Nghệ sĩ Andy Cao


Trích và hiệu đính bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên Facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày thứ 9: "Mây pha lê".

Vào một buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, trong một quán café sắc trắng tinh khôi, thiết kế giản đơn nhưng khá tinh tế vô tình lại xứng hợp với một người mà vợ chồng tôi đang chờ đợi. Ấn tượng đầu tiên với tôi về anh là một người đàn ông trung niên với dáng vẻ khoan thai và cực kỳ thanh lịch, giọng nói nhẹ nhàng nhưng truyền cảm, có sức thu hút lạ kỳ. Đó là anh Andy Cao, nghệ sĩ thiết kế cảnh quan người Mỹ gốc Việt nhưng anh vẫn giản dị cho rằng: anh cũng chỉ là một người làm vườn mà thôi.

Chúng tôi dành trọn cả buổi chiều hôm đó, mải mê theo những câu chuyện anh kể, quên cả thời gian, bởi câu chuyện làm nghề của anh hoàn toàn khác biệt với câu chuyện mà chúng tôi từng trải nghiệm. Đâu đó, có rất nhiều điều lãng mạn, say sưa, như một áng mây trôi bồng bềnh giữa khoảng trời bình yên và thanh thản. Anh khiến chúng tôi giật mình khi kết thúc những câu chuyện tản mạn như bước ra khỏi một giấc mộng thật đẹp. Mãi về sau này, khi có dịp tìm hiểu nhiều hơn về anh, tôi mới biết mình thật sự may mắn khi có cơ hội gặp gỡ anh, một nhà thiết kế nổi tiếng đã có tầm vóc và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến với các tác phẩm cảnh quan đặc trưng mà tôi sẽ giới thiệu sau đây với bạn.

Cuộc gặp gỡ với Andy Cao như một làn gió mới, nó mở ra rất nhiều suy nghĩ khác biệt mà trước đây, khi mải miết quay cuồng trong phạm vi nhỏ hẹp của kiến trúc, chúng tôi vô tình đánh rơi: sự lãng mạn, bay bổng trong công việc, sự tự do và vô sự trước những điều bé mọn của cuộc sống. Ban đầu, tôi cho rằng Andy quá lãng tử, so với câu chuyện thực tế tại Việt Nam, một đất nước còn kém phát triển trong vấn đề thưởng thức, trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật hay không gian kiến trúc đỉnh cao. Nhưng thật sự, khi có nhiều cơ hội trò chuyện hơn , tôi mới nhận ra, Andy có lẽ đã hiểu rõ nhưng khéo léo tách mình ra khỏi những điều đó để công việc sáng tạo của anh có thể trong sáng và trọn vẹn mà thôi. Tôi cho rằng, đó là một cách làm việc chuyên nghiệp, xứng đáng với giá trị các tác phẩm của anh. Andy khiến tôi có thêm một niềm tin cho những công việc ý nghĩa mà chúng tôi vẫn đang bám đuổi, dù phía trước vẫn còn muôn vàn những khó khăn.

P/S: Khi xin phép anh được đăng bài viết này, anh đã chu đáo nhắc tôi rằng, ý tưởng và thực hiện cho các tác phẩm mà tôi sẽ giới thiệu sau đây là thuộc về cả hai nghệ sĩ cảnh quan: Andy Cao và Xavier Perrot, người đồng sự của anh


Mây Pha Lê tại Đồi Mâm Xôi





“Từ trên đồi Mâm Xôi, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, sau lần quan sát những người nông dân người H’Mông đang lao động trên những cánh đồng, Cao & Perrot đã hình dung quang cảnh tuyệt đẹp này thật sự phù hợp với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đương đại Mây Pha Lê tại Việt nam. Họ cũng nhận ra rằng việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có thể tạo ra một sự gắn kết gần gũi với cộng đồng người H'Mông, điều này sẽ cho người H'Mông thấy được vẻ đẹp cho những thứ tạo hình thủ công (của chính họ), và tiếp nối truyền thống “điêu khắc” trên đất đã có từ lâu của họ.





Tác phẩm Mây Pha Lê sử dụng lưới thép mạ kẽm được tạo hình bằng tay và trang trí bởi 58.000 viên pha lê Swarovski rực rỡ. Đám mây pha lê được đỡ bởi hàng loạt các cây cột thép cắm ngẫu nhiên trên thửa ruộng tạo nên vẻ đẹp của một khu rừng pha lê lung linh.”


Tác phẩm Mây pha lê tại Sân bay Jewel Changi

“Mười sáu đám mây pha lê lung linh tại cửa ngõ đầy ánh sáng đón chào khách tham quan đến với Jewel.”





‹ Trở về - Tiếp theo: Kiến trúc không phải chỉ là có ý tưởng ›