Chuyến đi Đài Loan - Thế giới vĩnh hằng


Trích nguyên bản bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên Facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày thứ 6: Thế giới vĩnh hằng




Trong những ngày cuối cùng ở Đài Loan, sau khoảng thời gian ghé thăm đến nhiều công trình khác dọc theo đất nước, các bạn tôi đã thấm mệt. Vào ngày cuối cùng, gia đình tôi quyết định tự mình thực hiện chuyến đi từ Đài Bắc đến thành phố mới Đài Bắc khu vực JinShan để thăm một công trình lăng mộ tư nhân: Chia Ching (Jiajing) nằm trong quần thể công viên nghĩa trang Chin Pao San, công trình này do KTS Álvaro Siza Vieira và cộng sự thiết kế. Và từ đây bắt đầu một chuyến hành trình mà tôi sẽ còn nhớ mãi.





Tuyến xe buýt dừng trạm giữa ở cảng nhỏ mà tôi không nhớ rõ tên. Trong một khu vực không phải thuộc trung tâm du lịch, người dân chỉ biết tiếng anh lõm bõm, và nơi chúng tôi muốn đến cũng là một nơi khá ít khách du lịch viếng thăm. Chúng tôi kẹt lại hai giờ tìm và hỏi được cách thức đi lên Chin Pao San, nơi còn cách chúng tôi cả tiếng đồng hồ đi đường. Trời đã quá trưa, tôi nhìn vợ và cậu con trai 4 tuổi của tôi, cả hai có vẻ ngao ngán và mệt mỏi. Tôi thấy hơi chùn bước, dự tính quay về vì đường còn xa và không biết giao thông có thuận tiện không vì đã khá xa trung tâm Đài Bắc, nhưng cuối cùng sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn quyết định tiếp tục.

Từ cảng nhỏ, chúng tôi bắt được tuyến bus đến một thị trấn heo hút dưới chân ngọn đồi nơi tọa lạc quần thể nghĩa trang. Đường đi lòng vòng nhưng cảnh sắc vô cùng thú vị vì khi men theo biển Hoa Đông, vợ con tôi cũng có phần thoải mái hơn. Đến thị trấn, chúng tôi may mắn tìm được một chú tài xế nọ, diễn giải cho chú theo nhiều cách và đưa hình cho chú xem, sau đó dùng giấy tờ mặc cả giá tiền, chú đồng ý chở chúng tôi lên nghĩa trang. Đường từ thị trấn lên nghĩa trang không một bóng người qua lại, tôi như có cảm giác thời gian dài vô tận bởi cảnh sắc quạnh hiu, có những cung đường đất thô sơ, cảm giác như đi mãi không biết đâu là đích đến. Cây cỏ hai bên cao vút, chú tài xế vẫn lặng im, tôi đoán, chắc chú cũng không hay chở những người khách như chúng tôi nên cũng ít giao tiếp. Trong vài thời điểm, tôi thoáng âu lo khi nhìn vào khoảng không vô định phía trước và không rõ: người tài xế này, liệu có chở chúng tôi đến nơi cần đến!? Cứ thế, đan xen trong những cảm xúc rối bời, con đường dần mở ra đoạn đường nhựa chạy về khu đồi với rất nhiều những ngôi biệt thự lớn, nhỏ, hòa trong một tông màu xám xịt. Tôi nhận ra, đó là cả một quy hoạch lớn dành cho người chết. Đồng thời lúc ấy, tôi nghe trong lòng mình có tiếng thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đến nơi một cách an toàn.





Công trình là khu tưởng niệm thuộc lăng mộ Chia Ching, là một khối được bổ sung vào lăng mộ chính hiện hữu có vẻ như được tạo nên để có một không gian đệm, tưởng nhớ người đã khuất trước khi vào lăng chính. Đây là một quần thể công trình rất quy mô thuộc sỡ hữu tư nhân. Tôi đoán rằng, người nằm đây ắt hẳn phải có địa vị và giàu có, bởi có hẳn 1 tòa biệt thự kế bên lăng cho công tác quản lý khu mộ. Ngoài khu mộ này còn có rất rất nhiều các khu mộ khác với nhiều biệt thự và ngôi nhà lớn nhỏ để tưởng niệm hoặc chôn cất, ngay tại trung tâm toàn khu có ngôi chùa lớn, chúng tôi cũng đã dừng lại đó, lắng lòng mình lại sau chuyến đi mệt nhoài với nhiều lo lắng.





Tôi dấn thân vào những chuyến đi này một phần vì niềm yêu thích kiến trúc, nhưng cho đến cuối cùng, đọng lại trong tôi hình như không còn là kiến trúc, mà là tình người thật đẹp ở đất nước Đài Loan. Tại một đất nước xa lạ, nơi chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người bản địa, nhưng những người bạn ở đây vẫn nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi: chú tài xế sau khi đưa chúng tôi lên nghĩa trang, đã không ngại dừng xe ở lại trong 30 phút chờ chúng tôi thăm thú và đưa tôi quay lại thị trấn; những người tại Cảng nọ, đã cố gắng chỉ cho chúng tôi cách thức di chuyển rất tận tình, và nhiều con người khác nữa… tất cả kỉ niệm đẹp đó đã ở lại trong tôi khi rời khỏi Đài Loan.





‹ Trở về - Tiếp theo: Một kỷ niệm về công trường ›