Chuyến đi chạm vào thần tượng
Trích nguyên bản bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên Facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày thứ 5: Chuyến đi thực nghiệm - Chạm vào thần tượng.
Năm 2018, gia đình tôi và các đồng nghiệp tổ chức chuyến đi sang Đài Loan để có cơ hội được nhìn ngắm các công trình thực tế mà trước đây chúng tôi chỉ được xem qua sách vở. Tại đây, tôi đã được đến công trình Asia Museum of Modern Art của Tadao Ando, vị KTS thần tượng mà tôi đã từng nhắc đến.
Tôi không thể tả được cảm xúc khi đứng trong khuôn viên trường Đại học để tiến vào bảo tàng nơi một bức tường bê tông dài chắn trước lối vào. Giây phút đó, tôi chỉ biết chạm nhẹ vào bức tường bê tông bằng tất cả lòng chân thành và tri ân người KTS đã nuôi dưỡng tình yêu kiến trúc trong tôi trong suốt nhiều năm tháng.
Tôi sẽ không dành nhiều thời gian mô tả về không gian công trình mà một lần nữa để cho bạn tự mình có những ý niệm riêng qua những bức ảnh tôi đã chụp lại cùng các tài liệu trên internet. Tôi chỉ muốn nói một vài điều khi đứng ở thực tế này, tôi học hỏi được ở bậc Thầy lỗi lạc đó: đó không còn là việc nhìn nhận ý tứ trong thiết kế của ông. Theo năm tháng tiếp xúc thực tế trong nghề, tôi càng thán phục hơn bởi sự chỉnh chu trong cách xử lý chi tiết, tổ chức sắp xếp hệ thống kỹ thuật của ông để có thể tạo nên những không gian sạch sẽ, hoàn hảo. Bạn có thể hiểu rằng, bê tông một khi đã đổ và tháo cốp pha thì không thể thay đổi được gì, cũng không thể đập bỏ một phần rồi chắp vá như tường gạch. Mặc khác, công trình được xây dựng tại Đài Loan chứ chưa phải tại Nhật Bản. Thế nhưng, nó cũng đã đạt được mức độ hoàn thiện rất tốt. Thế mới thấy vì sao Tadao Ando đã trở thành một người KTS có tầm ảnh hưởng lớn như vậy trên thế giới.
Chuyến đi này với sự tiếp xúc bê tông của Tadao Ando đã trở thành nguồn tư liệu quý giá cho tôi hiểu thêm về bê tông để rồi sau này tôi có cái nhìn khách quan hơn trong một căn biệt thự mà tôi trực tiếp triển khai với định hướng của Thầy tôi. Quả là một chuyến đi đầy ý nghĩa. Thế nhưng, câu chuyện về những ngày lưu lại Đài Loan vẫn còn chưa dừng lại ở đó…
Cảnh quan quanh công trình mới bao gồm một số lượng các tác phẩm điêu khắc hiện đại. Các tác phẩm điêu khắc cũng được đặt trên những terrace của tòa nhà. Tadao Ando nói: “Tôi đề xuất những hình tam giác đều, một hình thức nguyên bản, chính là hình học cơ bản nhất cho nơi đây”. Các khu vực sân ngoài nhà được tạo nên nhờ sự xếp chồng các khối hình học và xoay trở ba khối tam giác đều. Không gian nằm bên dưới các mái che tạo bóng mát cho công trình vào những tháng nóng trong năm. Phần lõi bên trong khối tam giác, nơi không có ánh sáng chiếu vào, chính là những gallery trưng bày, trong khi các không gian khác chính là: "mở ra thiên nhiên nơi ta có thể trọn vẹn thưởng thức quang cảnh bên ngoài”. “Tôi hi vọng bảo tàng này mang đến thật nhiều năng lượng, bởi đó là nơi gặp gỡ và tạo nên những cuộc hội thoại bất ngờ giữa tính trừu tượng và cụ thể, sự đơn giản và phức tạp, giữa nội thất và ngoại thất…” - Kiến trúc sư kết luận.
Tôi chụp bức hình này trong sự xúc động khi anh bạn hướng dẫn nói rằng: đây là một góc đối xứng hoàn toàn khi nhìn ra sân trong để xuyên vào phòng trưng bày trong nhà với ánh sáng ấm áp.
Tại đây chúng tối được người hướng dẫn của bảo tàng thuyết minh về quá trình thi công thực tế công trình trong 5 năm từ thiết kế đến thi công.
‹ Trở về - Tiếp theo: Chuyến đi Đài Loan - Thế giới vĩnh hằng ›