Bê tông và văn hóa ứng xử với môi trường


Trích và biên tập bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên Facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày thứ 3: Bê tông và văn hóa ứng xử với môi trường.





Tôi hình dung bạn đọc sẽ thắc mắc: Bê tông có gì hay và sao tôi cứ viết về nó? Thật ra, tôi nghĩ mình không hẳn đam mê bê tông, mà đam mê cách các KTS trên thế giới đã và đang có những kiểu tiếp cận rất văn minh với loại vật liệu này. Trong khi tại Việt Nam, chúng ta không ít lần “dìm hàng” khi cho rằng: sự bê tông hóa đang ngày càng ô nhiễm môi trường, bụi bặm, cứng nhắc… và từ đó cho rằng cần phải đem thật nhiều cây xanh, hay phải trồng cây trên mái để “xoa dịu” nỗi đau cho đô thị. Vô hình chung, điều này khiến cho khái niệm về kiến trúc bền vững hay kiến trúc xanh chỉ đi vào một trong những cách giải quyết hẹp: trồng cây là bền vững, trồng cây là sinh thái. Tất nhiên, các quan điểm trên không sai, nhưng không phải tuyệt đối vì nó có khả năng giết chết đi sự sáng tạo vẫn còn rất nhiều trong nền kiến trúc đa dạng này. Dưới đây, tôi chia sẻ với bạn cách nhìn của tôi:

- Bê tông cũng vẫn là một vật liệu bền vững: chất liệu này có khả năng tồn tại lâu dài trước sự tàn phá khắc nghiệt trên nền khí hậu nhiệt đới gió mùa tại nước ta. Nếu nhìn nhận được vẻ đẹp của khối bê tông, bạn sẽ thấy chúng gần như ít biến đổi theo thời gian, sự rêu phong và tính bám bụi trên bề mặt nhám màu xám của nó dễ chấp nhận hơn là trên nền trắng trẻo tinh khôi của sơn nước hay hệ lam gỗ sau 1,2 năm. Tôi không phủ nhận rằng khi phá hủy một công trình bê tông gây nhiều hệ lụy cho môi trường. Nhưng, đối với các công trình có chi phí đầu tư hợp lý với tính chất dài hạn, và đặc biệt có một sự đầu tư vào thiết kế, thì bê tông vẫn là một sự lựa chọn tốt thậm chí tồn tại lâu dài và trở nên quý giá theo thời gian. Đó là lý do vì sao các công trình bê tông của những KTS gạo cội vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.

- Bê tông sẽ không tàn phá đô thị quá mức và giải quyết vấn đề sinh thái - nếu chúng ta thay đổi tư duy thiết kế của mình. Tôi có thể lấy SPBR hay Paolo Mendes da Rocha làm ví dụ. Với giải pháp kết cấu giải phóng tất cả tầng trệt nhường chỗ cho sân vườn, đặc biệt cho những sinh vật nằm dưới lớp đất bề mặt, nâng khối nhà bê tông lên trên. Kết quả là vừa thông gió, thoáng khí, giải nhiệt công trình, vừa trả lại vẹn nguyên cho đất mẹ khoảng không của nó. Nếu so với quan điểm trồng cây trên mái để trả lại diện tích mà công trình đã lấy đi, thì lối tư duy nào cũng đáng trân trọng.

- Nếu được “bênh vực” một chút nữa cho bê tông khi chất liệu này khá kén người sử dụng, bởi họ có thể chưa được đi đến một công trình bê tông được đổ chuẩn chỉnh và bài bản. Chất liệu này cùng với màu xám đặc trưng của nó gia tăng mức độ cảm thụ không gian. Chúng ta vẫn thường lầm tưởng KTS chỉ biết trang trí mảng tường này một chút, nhấn nhá chi tiết kia một tí cho căn nhà thêm đẹp, hay đặt để những cái bàn cái ghế cho có “chất”. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng, cái chúng tôi thật sự “vẽ” chính là khoảng trống để lại - khoảng không gian mà bạn đang sử dụng. Và để thật sự cảm nhận kiến trúc, bạn nên cảm nhận khoảng trống ấy. Điều này lý giải vì sao các KTS trước đây tôi gửi đến bạn đều thấy không gian nội thất ít trau chuốt, không trang trí cầu kì, thậm chí còn rất “đời”, rất đơn giản. Bởi một khi không gian đã được xử lý khéo léo và tinh tế, thì những thứ khác sẽ tương trợ cho nó. Và, người ta cũng đánh giá tài năng KTS ở đó.

Mỗi ý kiến đều có bối cảnh riêng của nó, mỗi vấn đề nên được suy xét trong mối quan hệ biện chứng. Tôi cũng chỉ là “mượn” bê tông để nói về kiến trúc mà thôi. Bây giờ, tôi mời bạn cùng nhìn ngắm những không gian thú vị trong công trình của SPBR.





Lối vào chính bố trí theo hướng “từ trên xuống”. Terrace bên trên cùng cao độ với mặt đường. Một cây cầu bắc qua kết nối sảnh chính và con đường, cho chúng ta góc nhìn ra biển, trên đồi, và trên cây. Bên cạnh việc gìn giữ quan cảnh tự nhiên, ngôi nhà treo này có vẻ như nổi giữa “biển” cây, bao quanh là chim chóc và mở về hướng biển







Ba cây cột bằng bê tông chống đỡ căn nhà. Những cây cột này được đổ theo phương pháp trượt các tấm form. Bốn cây dầm bằng thép đặt trên mái nhằm treo các tấm sàn bên dưới và cũng tạo hệ khung nhằm chống đỡ trong suốt quá trình xây dựng, để việc xây cất được nhanh chóng và hiệu quả.





Những tấm sàn mỏng không dầm và cao độ của chúng được sắp xếp sao cho nhìn được rất nhiều view từ mỗi phòng trong căn nhà.

‹ Trở về - Tiếp theo: Thép Corten ›