Bê tông thực chiến
Trích nguyên bản bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày thứ 2: Bê tông thực chiến
Tôi mất 4 năm trong vô vàn các câu hỏi sau ngày ra trường: Kiến trúc đi từ ý tưởng ra thực tế như thế nào? Tôi nên bắt đầu từ đâu định hướng cho mình trong môi trường đa dạng này?... Mặc dù đã trải nghiệm qua nhiều công việc ở một môi trường chuyên nghiệp, nhưng tôi vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi nào phù hợp cho mình.
Cho đến một ngày, khi tôi có cơ hội đứng trước một công trình mẫu biệt thự thuộc quần thể dự án nhà ở cao cấp trong chuyến đi công tác. Một cảm xúc khó tả lại quay về như cái thời còn là anh sinh viên tìm thấy những điều mới mẻ qua sách vở, tôi có niềm tin đây có phải chăng là hướng đi để tôi tìm lời giải cho những thắc mắc của mình, bởi tôi lúc ấy đã va chạm qua thực tế trong môi trường làm nghề kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều sự đổi mới như hiện tại. Tôi tự hỏi: Ai là người thiết kế biệt thự này? Trải qua một thời gian, bằng nhiều cái duyên mà chính tôi cũng không ngờ tới, một người bạn dẫn tôi đến trước Thầy tôi, cũng chính là tác giả mẫu biệt thự năm ấy. Không đơn xin việc, không hình ảnh giới thiệu bản thân, chỉ có vài bản vẽ cho thấy tôi đã trải qua ít năm kinh nghiệm trong nghề. Tôi và ông đã có một cuộc trò chuyện ngắn mà đến tôi vẫn còn nhớ mãi:
"
Sao con biết đến chú? - Ông hỏi
Con đã đứng tại Eco Park và nhìn thấy công trình của chú! (cách xưng hô này là cách tôi vẫn quen gọi người Thầy của tôi đến tận bây giờ) - Tôi trả lời
Con thấy sao?
Dạ, con rất thích nó!
Vậy con muốn gì?
Con mong muốn được làm việc ở đây - Tôi đáp.
"
Tôi bắt đầu những ngày tháng làm việc tiếp theo như thế. Và đó tiếp tục là nơi nuôi dưỡng những đam mê của tôi qua những kiến thức trên kệ sách của Thầy, nơi tôi xem là thư viện thứ hai của tôi sau ngày ra trường.
Ấn tượng đầu tiên
Tại đây, tôi biết đến KTS Paulo Mendes da Rocha, một kiến trúc sư người Brazil. Trích một đoạn ngắn trong quyển sách tôi giới thiệu bên dưới đây về ông: “Hơn cả các nghiên cứu trong trường đại học, cuốn sách này giải thích chi tiết, Mendes da Rocha hấp thu cả những bài học quý giá từ người cha của mình - một kĩ sư, một nhà thiết kế các công trình thủy lực và bến tàu, và cũng là giám đốc Escola politecnica của Sao Paolo. Chính Mendes da Rocha đã giải thích tầm quan trọng của những bài học này khi đưa ra ví dụ cụ thể phân tích công trình Nhà trưng bày kiến trúc Bồ đào nha của KTS Alvaro Siza tại Expo Lisbon 1998, ông nói rằng: "Learning is not imitating but learning to think" - (Tạm dịch: Học không phải là bắt chước mà học để suy tư) . Ông kết luận nó rất cần thiết, không chỉ cho KTS, mà chúng ta nên nhớ rằng: “You can only imagine what you know how to build” - Bạn chỉ có thể nhìn thấy cái bạn biết khi bạn tạo dựng nên nó.
Nội thất bê tông nguyên bản
Ngoài lề, một điều thú vị tôi nhận thấy là để tăng tính thuần nhất và quy hoạch trật tự rõ ràng trong không gian nội thất, các vật dụng cứng (không di chuyển được) vẫn được Mendes da Rocha cho làm bằng khối bê tông đúc sẵn như một phần yếu tố tạo nên “hình dáng” của không gian trong căn nhà. Nếu bạn vẫn không rõ về điều này, có thể thử hình dung nếu ông dùng cái bàn giấy ở phòng khách là một chiếc bàn bình thường bằng gỗ, thì tính ngăn chia 2 không gian bên này và bên kia chiếc bàn sẽ rất lỏng lẻo, hoặc người sử dụng trong một ngày đẹp trời nào đó xoay chiếc bàn, đem nó đi chỗ khác và không gian phòng sẽ không giữ được ý tứ ban đầu của người thiết kế.
Chi tiết hệ cửa kính bậc bằng thép
Lược dịch trong quyển sách: “Paulo mendes da Rocha: Complete Works" - Daniele Pisani.
Trang 119 - Chi tiết tường ngoài nhà cho thấy sự gần gũi của bê tông đúc sẵn và bê tông đổ tại chỗ thông qua chi tiết “trang trí” được tạo ra khi kết thúc đoạn cáp dự ứng lực. (Từ trang trí nằm trong ngoặc kép bởi đây là một chi tiết kĩ thuật nhưng KTS đã khéo léo biến nó thành một chi tiết trang trí hình hoa rất thú vị).
“Cá tính nổi loạn và khiêu khích này không rõ ràng trong ngôi nhà Mario Masetti (1967), là một trong các tác phẩm đầu tay của Mendes da Rocha xây dựng trong thời gian này. Quay trở lại, đây là một nghiên cứu về sự phát triển trong đô thị thời kì này, và sự chuyển mình trong hình thái khu đất. Hành động đầu tiên của Mendes da Rocha là thiết kế lại địa hình. Ông nâng toàn bộ tầng trệt lên trên và chỉ giữ đủ không gian cho một hồ bơi hẹp với view nhìn ra toàn bộ cảnh quan trên thung lũng Pacaembu. Khu đất được tạo hình dốc bởi những tường chắn cũng có tác dụng như một tầng bán hầm với view nhìn toàn cảnh (panoramic). Từ đó, tầng trệt được trả lại để trồng những cây cỏ tự nhiên.
Mặt bằng trệt (Bỏ trống, chỉ có một số chức năng phụ trợ)
Mặt bằng lầu
Mặt bằng mái
Mặt đứng và mặt cắt
Mặt đứng