Bê tông - Niềm đam mê kiến trúc
Trích nguyên bản bài viết tham dự chương trình chia sẻ trên Facebook: 10 ngày viết “Mỗi ngày một công trình hay” – Bài ngày đầu tiên: Bê tông
Thời còn là sinh viên tại đại học kiến trúc. Vào một ngày, khi đang lơ đãng nhìn những hình ảnh lướt nhanh trên màn hình trình chiếu của Thầy. Trước một tấm hình không gian phòng khách - bên dưới mảng tường bê tông là một chiếc ghế sofa màu trắng tinh khôi mềm mại nổi bật lên bởi thứ ánh sáng rọi qua khe trên trần nhà, đổ dài xuống mảng tường bê tông thô ráp và mạnh mẽ – tôi đã thực sự ấn tượng với hình ảnh đó. Qua những lời Thầy phân tích về bức hình, tôi mới hiểu thêm vẻ đẹp của một thiết kế tuy giản dị, nhưng có thể nói nó là một thiết kế sống và thay đổi theo từng giờ bởi sự thay đổi của ánh sáng trong ngày, khi rọi chiếu lên những vật liệu khác nhau tạo nên sự chuyển động cho không gian. Về sau, tôi biết bức hình là một căn phòng khách trong công trình nhà ở Koshino, của Tadao Ando, một KTS người Nhật rất đặc biệt: ông là một người chưa hề được đào tạo qua một trường lớp kiến trúc nào nhưng lại được vinh danh tại giải thưởng danh giá của ngành kiến trúc thế giới (Prizker 1995), song điều đặc biệt cuốn hút tôi hơn cả là việc ông thường xuyên sử dụng chất liệu bê tông đặc trưng xuyên suốt các công trình của mình.
Sau này, khi trưởng thành hơn trong nghề, tôi mới lý giải được tại sao Ando lại dùng bê tông: thứ vật liệu cơ bản đặc thù, màu xám trung tính, còn nguyên độ thô ráp sau khi tháo cốt pha, ông muốn mọi thứ tồn tại trong các không gian đó được tôn lên vẻ đẹp nguyên sơ của nó: đó là ánh sáng và thời gian. Cũng bởi yêu thích và đam mê mà một đứa sinh viên năm nhất không chăm chỉ lắm như tôi, vẫn thường cặm cụi ngồi tại thư viện trường, tìm đến các quyển sách về ông, dùng giấy scan vẽ lại, thứ công cụ duy nhất để lưu giữ các hình ảnh và thông tin kiến trúc khi mà mạng internet vẫn còn chưa phổ biến.
Khi kể lại câu chuyện này, tôi chắc rằng các bạn học của tôi khi đó cũng sẽ rất đồng cảm bởi nó cũng tiêu biểu cho niềm đam mê một thời của rất nhiều lớp sinh viên đại học kiến trúc với chất liệu bê tông của Tadao Ando. Và tôi, cũng không nghĩ rằng niềm đam mê về bê tông đã theo tôi cho mãi đến sau này…
Ấn tượng đầu tiên
Lược dịch trong cuốn “Tadao Ando - Process and Idea” theo cách hiểu của tôi.“Khu đất tọa lạc trên một ngọn đồi xanh tươi ở Ashiya, Hyogo Prefecture, đây là căn nhà của nhà thiết kế thời trang Hiroko Koshino. Trong một khuôn viên đầy tự nhiên và một program với mức độ tự do khá cao. Tôi nghĩ đến những không gian phòng khách đầy ánh sáng, và chủ điểm “ nơi chốn” của kiến trúc đương đại. Kiến trúc có thể “phô diễn” bao nhiêu khi bị giới hạn bởi các thành phần và vật liệu? Đây là cơ hội cho tôi tìm thấy mối dây liên hệ với sự phát triển mới trong kiến trúc của tôi.” (Bản gốc trang 062)
“Những bản vẽ phác thảo về sự thay đổi của ánh sáng, cho mỗi góc phòng khách. Bằng cách chắt lọc và trừu tượng hóa những khung cảnh trông tự nhiên với nguồn chiếu sáng và tầm nhìn, thật thú vị, đã tái tạo nên (trong không gian) các biến thể phong phú của bốn mùa.” (Bản gốc trang 067)
Phác thảo mở rộng sau 4 năm
“4 năm sau khi hoàn thành, một xưởng nhỏ được thêm vào. Đây là yêu cầu phát sinh, nhưng nó nối với khối hiện hữu như một phần ngôi nhà, nó như một công trình mới trên một khu đất mới. Tôi hình dung lối kiến trúc với motip đường cong sẽ hoàn toàn tương phản với phần khối chữ nhật hiện hữu cả về hình khối lẫn chất lượng ánh sáng. Việc chính tôi thêm vào khối nhà trước đây tôi từng thiết kế tạo nên một điều khá thú vị, nó khác với việc tôi thiết kế nên một tòa nhà mới hoàn toàn.” (Bản gốc trang 068)